Lệ bất khả Nhà Nguyễn

Nguồn gốc của “tứ bất khả” ("tứ bất lập")

Trong giới sử học hiện nay hình thành 2 luồng ý kiến khác nhau về lệ bất khả của nhà Nguyễn. Nguyễn Phan Quang và Trương Hữu Quýnh cho rằng: để đề cao uy quyền nhà vua và ngăn chặn nạn quyền thần lấn át hoàng đế, vua Gia Long đã đặt ra lệ Tứ bất: trong triều không lập Tể tướng, thi Đình không lấy Trạng nguyên, trong cung không lập Hoàng hậu, không phong tước vương cho người ngoài họ vua.[47][169]

Lê Nguyễn có ý kiến ngược lại về vấn đề này, tuy nhiên ông chỉ đề cập tới "tam bất" chứ không phải "tứ bất":

"Trong khi triều Nguyễn có một Quốc sử quán làm việc thật hiệu quả, đã cho ra đời những bộ sử... lớn lao, thì không thấy ai viện dẫn một chỉ dụ nào của các vua Nguyễn quy định những điều bất khả đó..." [170]

Một trong những lí do khiến cho quan điểm hoàn toàn sai lầm này được quá nhiều người tin là vì nó được lặp đi lặp lại trong Sách giáo khoa Lịch sử dùng trong nhà trường: từ bậc Tiểu học đến Trung học Cơ sở và cả Trung học Phổ thông. Các Sách giáo khoa Lịch sử lớp 4 (bài 27), lớp 7 (bài 27) và lớp 10 (bài 25) (cả ban Cơ bản lẫn Nâng cao) của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam khi viết về giai đoạn Nguyễn sơ (1802 – 1858) không bao giờ quên việc chèn thêm một đoạn có nội dung đại khái là:

“Các vua nhà Nguyễn đề ra lệ tứ bất lập để củng cố quyền lực của mình, lệ tứ bất lập gồm: không lập Hoàng hậu, không lập Tể tướng, không phong tước Vương (cho người trong Hoàng tộc còn sống) và không lấy đỗ Trạng nguyên"

Kiến thức sai lệch này được giáo viên truyền tải trong các bài giảng, các thế hệ học sinh thuộc nằm lòng và vào cả các đề thi môn Lịch sử và biến nó thành một điều quá hiển nhiên khi nhắc về nhà Nguyễn. Tìm về nguồn gốc của lập luận này, không lạ mấy khi thấy chúng được nhắc đến lần đầu trong quyển sách Lịch sử Việt Nam, tập 1 của Nhà xuất bản Khoa học Xã hội (1971), tức là thông tin này hoàn toàn không xuất phát từ chính sử triều Nguyễn mà được viết ra khi nhà Nguyễn cáo chung được 26 năm. Cuốn sách Lịch sử mang nặng tính giai cấp này đã chỉ rõ Hoàng đế Gia Long, người sáng lập Hoàng triều Nguyễn, là người đề ra lệ tứ bất lập. Tạm thời bỏ qua 3 lệ Bất lập còn lại: không lập Tể tướng, không lập Trạng nguyên và không phong tước Vương đã được các học giả khác bác bỏ hoàn toàn thì bài viết sẽ xoáy mạnh đến vấn đề “bất lập Hoàng hậu”. Đây là thiếu sót khá lớn của các học giả khác khi đã không thể bác bỏ ý sai này một cách triệt để, hậu quả là trong 4 lệ bất lập, khi 3 lệ bất lập kia đã được phần đông mọi người chấp nhận là sai lầm thì vẫn còn rất đông tin rằng: nhà Nguyễn bất lập Hoàng hậu.[171]

Bất khả Trạng nguyên

Thực tế là triều Nguyễn không có một Trạng nguyên nào. Trạng nguyên là người xếp hạng cao nhất trong số các tiến sĩ dự kỳ thi Đình dưới các triều đại trước. Thời Nguyễn, triều đình tổ chức thi Hội để lấy tiến sĩ và thi Đình để xếp hạng các tiến sĩ; các tân khoa tiến sĩ dự thi Đình được xếp theo giáp đệ, còn gọi là tam giáp:

  • Đệ nhất giáp.
  • Đệ nhị giáp gọi là đệ nhị giáp tiến sĩ cập đệ hay tiến sĩ Hoàng giáp.
  • Đệ tam giáp gọi là đệ tam giáp đồng tiến sĩ hay tiến sĩ xuất thân.

Việc xếp hạng tiến sĩ như trên không phải là sáng kiến mới của nhà Nguyễn nhằm “né tránh” danh hiệu Trạng nguyên hay hạ thấp địa vị của người thi đỗ cao nhất, mà việc này từng thực hiện dưới các triều đại trước:

  • Năm 1232 thời Trần Thái Tông mở thi Thái học sinh, "lấy Trương Hanh, Lưu Diễm đỗ đệ nhất giáp; Đặng Diễn, Trịnh Phẫu đỗ đệ nhị giáp; Trần Chu Phổ đỗ đệ tam giáp".[172]
  • Năm 1442 thời Lê Thái Tông, “Nguyễn Trực, Nguyễn Như Đỗ, Lương Như Hộc ba người đỗ tiến sĩ cập đệ; bọn Trần Văn Huy 7 người đỗ tiến sĩ xuất thân; bọn Ngô Sĩ Liên 23 người đỗ tiến sĩ đồng xuất thân…”.[173]
  • Năm 1499 thời Lê Hiến Tông, “cho Đỗ Lý Khiêm, Lương Đắc Bằng, Nguyễn Khắc Kiệm ba người đỗ tiến sĩ cập đệ, bọn Hoàng Trưng, Nguyễn Hằng 24 người đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân…”.[174]

Lê Nguyễn khẳng định cách thức xếp hạng tiến sĩ trong thi Đình theo giáp đệ đã xuất hiện trước khi có danh hiệu Trạng nguyên và không có gì khác biệt giữa hai cách gọi trên. Do đó, việc triều Nguyễn áp dụng hình thức giáp đệ trong thi đình mà không chọn Trạng nguyên là rất bình thường, không xuất phát từ một lệ “bất khả” nào.[175]

Bất khả hoàng hậu

Trên thực tế sử sách ghi nhận nhà Nguyễn có ít nhất 3 hoàng hậu: hoàng hậu thời Gia LongThừa Thiên Cao Hoàng hậu (mẹ hoàng tử Cảnh), thời vua Hiệp HòaLệ Thiên Anh Hoàng hậu (vợ vua Tự Đức) và hoàng hậu thời Bảo ĐạiNam Phương hoàng hậu.

Ngoài ra, sử liệu nhà Nguyễn không hề phủ nhận sự tồn tại của ngôi vị hoàng hậu:[176]

  • Sách Minh Mệnh chính yếu ghi: “Nay châm chước đời xưa và đời nay, đặt bị quý phi, thần phi vào bậc nhất… trên bậc nhất đặt một vị hoàng quý phi để giúp Hoàng hậu điều khiển chính sự trong cung”.
  • Sách Đại Nam điển lệ toát yếu dành hẳn khoản 183 để định nghi thức “tuyên sách văn lập Hoàng hậu”.

Lê Nguyễn cho rằng: việc các triều vua từ Minh Mạng tới Khải Định không phong hoàng hậu không xuất phát từ lệ nào mà vì chưa tìm được người xứng đáng hoặc chưa thấy cần làm.[176]

Bất khả tể tướng

Thời Gia Long đặt quan chế trên cơ sở tham khảo thời Hậu Lê. Sang thời Minh Mạng có việc tổ chức lại bộ máy và áp dụng tới hết thời Nguyễn, theo đó đứng đầu bộ máy quan lại là tứ trụ triều đình. Khi tham khảo sử sách các đời trước cũng rất khó tìm thấy chức danh tể tướng trong hàng quan lại đầu triều:[177]

  • Thời Tiền Lê: Đứng đầu là thái sư, thái úy, tổng quản
  • Thời Lý: thái sư, thái phó, thái bảo, tổng quản, tướng công
  • Thời Trần: lấy ba chức thái, ba chức thiếu (thiếu sư, thiếu phó, thiếu bảo), thái úy, tư đồ, tư mã, tư không. Chức Tể tướng thì thêm danh hiệu Tả hữu tướng quốc bình sự
  • Thời Hậu Lê, trong quan chế thời Hồng Đức (Lê Thánh Tông) năm 1471 và được áp dụng phổ biến trong các triều vua Hậu Lê sau đó, không thấy có chức danh Tể tướng.

Như vậy việc triều Nguyễn không đặt chức danh Tể tướng cũng là điều bình thường như các triều đại trước, không có cơ sở để khẳng định đó là một điều quy định “bất khả tể tướng” của nhà Nguyễn.

Lê Nguyễn cho rằng việc nhà Nguyễn không đặt chức danh tể tướng, áp dụng chế độ khoa cử đỗ tam giáp và nhiều triều vua không phong hoàng hậu không có gì là bất thường và không phải là sự áp dụng riêng biệt của triều đại này, mà nó phù hợp và tiếp thu theo thông lệ từng có ở các triều đại trước.[178]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Nhà Nguyễn http://www.britannica.com/EBchecked/topic/413612 http://www.chamtoday.com/index.php/history-l-ch-s/... http://www.vietnamtourism.com/Hue/v_pages/kth_kinh... http://www.informatik.uni-leipzig.de/~duc/sach/dvs... http://www.informatik.uni-leipzig.de/~duc/sach/dvs... http://reader.library.cornell.edu/docviewer/digita... http://community.middlebury.edu/ http://nguyentl.free.fr/autrefois/famille-royale/p... http://nguyentl.free.fr/html/photo_la_cour_royal_v... http://vietsciences.free.fr/vietnam/bienkhao-binhl...